Người người nhà nhà làm web, web chuẩn SEO, web chuẩn thương mại điện tử, web gian hàng, web giá rẻ, công nghệ mới nhất, siêu tốc, 5s ..v.v. Toàn khẩu hiệu và mỹ từ hay. Nhưng chỉ cần hỏi 1 câu: Web hiệu quả chưa, sao đẹp thế hiện đại thế mà không có khách hỏi chứ đừng nói khách mua? Ai trả lời được? Nếu chưa đạt thì tại sao, dựa vào đâu, con số nào để nói chưa hiệu quả do cái này cái kia.
Để website có hiệu quả rất khó, cực kì khó
Điều này có thể khẳng định luôn vì để đánh giá, xây dựng và phát triển được một website tạm được cần rất nhiều tiêu chí đánh giá. Như mỹ thuật có đẹp không, có phù hợp với lĩnh vực/ngành nghề không, kỹ thuật đạt chưa, tốc độ web đủ nhanh chưa, có hỗ trợ SEO không, hỗ trợ ở mức nào, cấu trúc chuyên mục hợp lý chưa, nội dung đủ hữu ích chưa, hấp dẫn khách hàng không ..v.v
Quá nhiều tiêu chí và việc cần làm để đánh giá website, dựa vào các đánh giá này điều chỉnh cho phù hợp, các việc này cần làm hàng ngày, ví dụ như nội dung hôm nay có thể đạt, mai không còn hấp dẫn nữa, google đổi thuật toán, màu sắc phải thay đổi cho có không khí Tết ...
Nhiều việc cần làm như vậy, nhiều tiêu chí phải theo dõi đánh giá hàng ngày, và vấn đề là các lĩnh vực này KHÔNG LIÊN QUAN đến nhau. Kỹ thuật thì mỹ thuật hạn chế, không biết gì về nội dung, người làm SEO thì chỉ nhăm nhăm làm SEO, chỉ quan tâm nhồi nhiều từ khóa, nội dung sản phẩm lại hạn chế, người viết nội dung hiểu sản phẩm lại yếu kỹ thuật, up một bài thì được nhưng để up đều, sạch sẽ thì lại không làm được. Web may đo giúp anh/chị tối ưu hiệu suất làm việc và cung cấp công cụ đánh giá hữu ích để điều chỉnh các mặt yếu.
Chi phí làm website - khoảng 8 triệu đổ lên
Chắc khá nhiều anh/chị giật mình nhỉ. Nếu thời gian đầu kinh doanh, anh / chị có thể sử dụng bán hàng facebook/diễn đàn, sau ổn hơn có thể chuyển sang blog miễn phí và chuyển tiếp sang web "công nghiệp". Web công nghiệp thường có mẫu template dựng sẵn, dùng các mã nguồn miễn phí như Wordpress hay Joomla ... Tuy nhiên, nếu xác định lâu dài hoặc đã là kinh doanh chuyên nghiệp > 2 năm anh/chị nên cân nhắc sử dụng web "may đo".
So với web "công nghiệp", web may đo có những ưu điểm sau
Tính cấu trúc cao hơn, thể hiện logic kinh doanh hơn
Web may đo KHÔNG đẹp hơn, nhưng tùy biến CẤU TRÚC cao hơn, tùy ý mình muốn, như nào cũng được. Điều này có nghĩa, về mỹ thuật có thể hơn hoặc kém chút, nhưng bố trí các khối nội dung chỗ nào, và như thế nào tùy biến hơn hẳn.
Ví dụ anh/chị có thể để ý ngay trên website vietbaipr.com này, khi anh chị xem mục nào, đi theo hướng nào nội dung cũng bám sát hướng anh/chị đang quan tâm. Nhìn như dạng tin bài như đọc báo điện tử hay tin tức nhưng không phải, tin liên quan thể hiện cả bên cột phải lẫn ở dưới để tiện di chuột cuộn cho người xem.
Dễ dàng thay đổi cấu trúc, mỹ thuật tùy ý
Nếu anh/chị đã từng làm web, chắc hẳn không ít người đã gặp trường hợp muốn thay đổi, bổ sung cái này, bớt cái kia nhưng kỹ thuật bảo không làm được, hay bảo muốn làm chỉ có thể thay web mới, trong khi đó anh chị nghĩ việc này đơn giản, thay đổi nhỏ ý mà.
Điều này đúng, người làm kỹ thuật không sai, có khi chỉ là thay đổi nhỏ về phía người dùng mà phải làm cái khác hoàn toàn mới. Điều này em tin vì ai chả muốn có việc làm, kỹ thuật nói vậy vì bất khả kháng thôi.
Nhưng làm mới lại gặp vấn đề dữ liệu cũ, làm sao để chuyển sang đầy đủ theo đúng cấu trúc mới.
Vấn đề này web may đo giải quyết được rất dễ dàng. Có anh khách từng nói với em rằng:
- Em biết người kinh doanh sợ nhất gì không?
- Giá cao à, hay không hiệu quả anh?
- Không phải, giá cao hay không còn phụ thuộc kết quả đem lại, hiệu quả thì chả ai chắc được khi chưa làm. Cái anh sợ nhất là câu trả lời KHÔNG LÀM ĐƯỢC. Cái anh cần biết là mất bao nhiêu, bao lâu thì xong, dự kiến đạt được gì, tùy vào đó anh sẽ quyết có làm hay không.
Với web may đo anh chị tránh được câu trả lời KHÔNG LÀM ĐƯỢC này.
Tích hợp các tính năng riêng
Các tính năng em muốn nói ở đây không phải là các module dựng sẵn như chat, liên hệ, Fanpage hay giỏ hàng. Các tính năng ở đây là tính năng liên quan sâu đến logic kinh doanh của anh/chị, chắc chắn tính năng này chả ai giống ai vì nó là logic kinh doanh.
Ví dụ nhà may thì cần tính năng cho khách tra được đơn hàng đang làm đến đâu, xong chưa.
Web hàng order thì theo dõi được hàng mua chưa, ship chưa, mã vận đơn là gì, công nợ mấy lần ra sao, thậm chí có người còn có yêu cầu lịch sử giao dịch vì giá sản phẩm order tính theo ngoại tệ, tỷ giá biến động, mỗi lần mua một khác. Có hàng Sale Off tự email cho khách.
Hay lại có yêu cầu đồng bộ web và fanpage, comment trên web và fanpage là như nhau.
Rồi lại có yêu cầu tự động chèn sản phẩm tồn vào lẫn danh mục sản phẩm bán chạy.
Quản lý hàng trên web luôn - như các site lớn hay có tình trạng hàng trong kho, hàng còn nhưng ở cửa hàng/showroom nào, size bao nhiêu, mầu sắc gì, yêu cầu đồng bộ web luôn.
..v.v
Đặc biệt nhờ có các tính năng này, nhiều khi anh / chị thể hiện được sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh.
Cập nhật thường xuyên – thay đổi/nâng cấp liên tục nếu cần
Ngoài nội dung hữu ích, cấu trúc hợp lý, website phải có tính cập nhật. Kể cả các web ít thay đổi như web giới thiệu công ty, web về dịch vụ hay thậm chí web 1 page của cá nhân cũng cần có thông tin cập nhật. Như web cá nhân về môi giới BĐS, khách vào cứ lăn tăn không hiểu giờ còn làm không hay nghỉ chuyển việc khác rồi.
Anh/chị nào đã từng làm web chắc hiểu làm 1 web mới mất thời gian và công sức như nào, chỉnh đi chỉnh lại, từ màu sắc, bố cục đến nội dung hình ảnh. Cứ thấy bảo 5 giây, 1 tuần, hôm sau là xong, không xong nổi đâu. Đoạn nội dung mới mất thời gian, và chính vì nội dung thay đổi, nhu cầu trình bầy khác đi, dẫn đến việc web phải thay đổi theo.
Việc thay đổi lớn như làm mới web này (thay đổi cấu trúc, nội dung, bổ sung hay bớt tính năng) phải làm thường xuyên nếu không muốn tụt hậu. Hôm nay có thể ưng, mai lại thấy không hợp lý là chuyện bình thường.
Do vậy anh / chị lưu ý khi làm web nên tìm hiểu khả năng hỗ trợ trong suốt vòng đời, nhiều anh/chị chỉ nghĩ đơn giản mất tiền hosting thôi, còn ai chả nói bảo hành trọn đời. Bảo hành không có nghĩa là không vào được hay bị lỗi không up được hình, bảo hành là nâng cấp tính năng (nâng cấp chỉnh sửa chứ không phải làm mới), chỉnh sửa mỹ thuật hay thậm chí thay đổi cấu trúc hoàn toàn. Cá nhân em chọn cách trọn gói 4 triệu / năm cả hosting, tất tần tật gi gỉ gì gi dính đến kỹ thuật gọi 1 người thôi. Thêm tính năng nào tính tiền tính năng đó.
Lưu ý: Nhược điểm lớn nhất của web may đo ngoài giá cao – điều mà có con số để so sánh nhìn thấy ngay, còn có thêm nhược điểm nữa là thời gian lâu hơn. Thường web may đo đầu tiên phải khảo sát các đối thủ cạnh tranh, các doanh nghiệp cùng lĩnh vực ngành nghề, sau đó tiến hành dựng khung cấu trúc chuyên mục, làm nội dung trước khi làm kỹ thuật để tránh thiết kế kỹ thuật không phù hợp. Bước cuối cùng mới đến kỹ thuật.
Nhưng vẫn chưa xong, khi lên web, đưa vào vận hành rồi, mới chỉ là bước 1, sau đó còn theo dõi chỉnh sửa, điều chỉnh tính năng, lại thuê viết nội dung cho phù hợp hơn à lại sửa kỹ thuật cho phù hợp cấu trúc tiếp. Nhưng có một điểm lợi là sửa đổi, nâng cấp hoàn toàn diễn ra song song, vì web may đo rất hiếm khi phải làm mới hoàn toàn.
Kết luận, theo em nên chọn web may đo vì chi phí kỹ thuật website thường là chi phí nhỏ nhất trong các chi phí vận hành. 10 triệu cho web mà chỉ mất tiền ban đầu, sau tính ra có 400 ~ 500k / tháng lại yên tâm có chỗ mà “túm tóc”.
Lý do quan trọng nhất: website mang tính nền tảng, kỹ thuật tốt thì mới thể hiện được tốt. Móng mà yếu chỉ xây được 2 tầng là hết. Ai cũng bảo khác biệt nhưng ngay cái nhìn đầu tiên, cách trình bầy thể hiện đã không nêu bật được sự khác biệt thì có khách mua/sử dụng sản phẩm đâu để chứng minh các lợi ích khác. Lúc đó, cách duy nhất để cạnh tranh là giảm giá, ai giảm nhiều người đó … (… ở đây là gì, thắng hay gì, )!
Chi phí duy trì website là lớn nhất, gây nhiều mệt mỏi nhất, xin anh/chị chờ bài sau: “Chi phí duy trì website – hãy tính đúng tính đủ”.